Chuyển đổi kỹ thuật số với công nghệ 3D trong doanh nghiệp – giải pháp tất yếu để phát triển bền vững

Chuyển đổi kỹ thuật số với công nghệ 3D trong doanh nghiệp – giải pháp tất yếu để phát triển bền vững

Ngày 10/06/2022, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng Công ty Browzwear tổ chức hội thảo công nghệ theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “Chuyển đổi kỹ thuật số với công nghệ 3D cho một hướng đi bền vững” nhằm giúp doanh nghiệp dệt may, trường đào tạo có thêm thông tin về việc chuyển đổi số trong thiết kế 3D một cách hiệu quả và bền vững.Mở đầu hội thảo, khái quát về ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký VITAS cho biết Tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam 2021 đạt 40,45 tỷ USD, tăng 15,36% so với cùng kỳ năm 2020, Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022 đạt 18,66 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi phân tích những thách thức và cơ hội cho ngành dệt may, Bà Mai khẳng định chuyển đổi số trong ngành dệt may là giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện, nâng cao vị thế cho doanh nghiệp. Công nghệ 3D là công cụ thiết yếu giúp các nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trên thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng Thư ký VITAS

Bà Mai nêu rõ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ VN đối với việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 cũng như yêu cầu ngày càng cao của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs). Theo đó, các FTAs đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp do luôn đi kèm các tiêu chí, ràng buộc về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, trách nhiệm với môi trường, cộng đồng. Theo bà Mai, các định hướng phát triển bền vững gồm: KCN dệt may với hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh (tuần hoàn); Giải quyết phần cung thiếu hụt; Chuyển đổi số – thiết kế 3D; Năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn (tuần hoàn nước, sử dụng nguyên liệu tái chế. Trong phần khuyến nghị đối với DN, 5 gói giải pháp chính được giới thiệu. Đó là: Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid; Giải pháp về thị trường; Giải pháp phát triên nguồn nhân lực; Giải pháp về công nghệ số và Tuân thủ các quy định về lao động và môi trường. Các giải pháp này để nhằm tăng cường liên kết chuỗi cung ứng và góp phần xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.

 

Các chuyên gia của Browzwear

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Bà Eileen Tan – GĐ phát triển KD khu vực, bà Sanggy Tran – chuyên gia Giải pháp KD của Browzwear trình bày với chủ đề: Thay đổi tư duy chuyển đổi kỹ thuật số, Thiết kế 3D thay đổi ngành công nghiệp thời trang, cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam; Ông Ibrahim Ozsoy – đồng sáng lập The Bridgt Atelier/ TGĐ Công ty TNHH May OASIS và bà Nguyễn Tất Hoàng Phúc – GĐ tại The Bridgt Atelier & Quản lý phòng Phát triển Công ty TNHH May OASIS trao đổi về Kinh nghiệm thức tế của doanh nghiệp may Việt Nam khi sử dụng các giải pháp của Browzwear.    

Các chuyên gia của The Bridgt Atelier/ OASIS

Theo các chuyên gia, tính bền vững được xác định gồm: bền vững môi trường – nguồn cung ứng vật liệu bền vững và sản xuất ít hơn mẫu vật lý; bền vững cho doanh nghiệp – giảm thiểu rủi ro kinh doanh, giảm thiểu chi phí vận hành, tối đa hóa doanh thu. Thiết kế 3D sớm được ứng dụng trong ngành thời trang, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp dệt may, giúp giảm thời gian, chi phí phát triển mẫu, giảm lượng hàng tồn kho, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đại biểu tham dự hội thảo cùng các chuyên gia đã trao đổi về cách thức Browzwear hỗ trợ để đảm bảo tính bền vững cho doanh nghiệp, những kinh nghiệm thực tế về áp dụng thiết kế 3D, các khó khăn thường gặp và giải pháp khắc phục trong chuyển đổi số và thiết kế 3D tại doanh nghiệp. Đặc biệt nhiều đại biểu đề nghị VITAS tiếp tục phối hợp với Browzwear và các tổ chức khác mở những lớp đào tạo, hội thảo về thiết kế 3D, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai chiến lược xanh hóa và phát triển theo hướng bền vững.

Các diễn giả và đại biểu tham dự hội thảo

Được biết, Browzwear là nhà tiên phong về các giải pháp 3D trong ngành công nghiệp thời trang. Browzwear chú trọng tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các nhà thiết kế và công ty may mặc thuộc mọi quy mô để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ngành công nghiệp thời trang. Thông qua phần mềm thiết kế 3D hàng đầu trong ngành và khả năng hiện thực hóa bằng trực quan tiên tiến trong hệ sinh thái kỹ thuật số mở rộng, Browzwear cho phép người dùng tận dụng sức mạnh chân thực của công nghệ 3D để xây dựng quy trình làm việc kỹ thuật số trọn vẹn từ khâu thiết kế, phát triển sản phẩm đến việc quảng bá và sản xuất. 

Nguồn : VITAS

(http://www.vietnamtextile.org.vn/hoat-dong-vitas_p1_1-1_2-1_3-643_4-6227_9-2_11-10_12-43_13-421.html)

shares